Để phục vụ đo lường nền kinh tế số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 13/2021/TT- BKHĐT quy định Hệ thống chỉ tiêu kinh tế số gồm 50 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu“Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước”, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2022/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có quy định chi tiết nội dung chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước”. Đồng thời, ngày 24/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg về Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, trong đó có chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn”.
Kinh tế số bao gồm: Kinh tế số ICT là hoạt động công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông và hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông; Kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số; các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung, cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng; Kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực.
Kinh tế số bao gồm các hoạt động cung cấp dịch vụ như: hạ tầng số, nền tảng số và ứng dụng số: Hạ tầng số là hạ tầng kỹ thuật vật lý như hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin, để truyền đưa thông tin số, dữ liệu số và để cung cấp dịch vụ nền tảng số, dịch vụ ứng dụng số, dịch vụ viễn thông cố định, dịch vụ viễn thông di động, dịch vụ kết nối Internet, dịch vụ truy cập Internet ; Nền tảng số là dịch vụ được phát triển dựa trên hạ tầng số nhằm tạo ra môi trường cho dịch vụ ứng dụng số, như dịch vụ sàn thương mại điện tử hàng hóa (Shopee, Sendo, Amazon, Alibaba,...), sàn giao dịch chứng khoán, dịch vụ mạng xã hội (Zalo, Facebook, Youtube, Tik Tok, Chotot...), các ứng dụng trên nền tảng di động để cung cấp dịch vụ (Uber, Grab,...); Ứng dụng số là các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin nói chung - được phát triển, vận hành dựa trên hạ tầng số hoặc nền tảng số để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân dựa vào đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Sở Thông tin và Truyền thông tham dự triển lãm công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam
Khi đo lường kinh tế số trên địa bàn tỉnh Kon Tum cần dựa vào các hoạt động cụ thể như sau:
Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học như sản xuất linh kiện điện tử; Sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính; Sản xuất thiết bị truyền thông; Sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng; Sản xuất băng, đĩa từ tính và quang học
.
Hoạt động buôn bán máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm, thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông.
Hoạt động thuộc nhóm ngành Thông tin và truyền thông như: Xuất bản phần mềm, Viễn thông; Lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; Hoạt động dịch vụ thông tin như xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan đến dữ liệu; Cổng, trang thông tin điện tử.
Các hoạt động dịch vụ khác: Hoạt động sửa chữa máy vi tính và thiết bị liên lạc.
Để đo lường đầy đủ, toàn diện đóng góp kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Kon Tum cần thực hiện một số giải pháp sau:
Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò kinh tế số trong nền kinh tế: Hiện nay, nhận thức, nhu cầu và hành động theo xu thế kinh tế số chưa được đầy đủ trong xã hội. Thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam cần có sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về xu hướng, vai trò và định hướng ứng dụng kinh tế số trong phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa cục Thống kê tỉnh với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chuẩn hóa, lưu trữ dữ liệu về kinh tế số, tuân thủ các quy định về kết nối, chia sẻ thông tin phục vụ biên soạn chỉ tiêu đo lường kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
Quan tâm xây dựng chính sách và bố trí kinh phí phù hợp để thúc đẩy ứng dụng kinh tế số trong các hoạt động kinh tế và công tác quản lý, điều hành kinh tế số, các sở, ngành cần sớm triển khai các văn bản hướng dẫn để huy động và sử dụng các nguồn lực thúc đẩy kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thành phố cần quan tâm bố trí nguồn nhân lực, kinh phí để hỗ trợ thu thập thông tin phục vụ biên soạn các chỉ tiêu liên quan đến kinh tế số, đặc biệt cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử nhất là các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.