Thứ 3, Ngày 23/04/2024 -

Phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Ngày đăng: 01/12/2021  13:22
Mặc định Cỡ chữ
Người đăng: Admin STTTT

Chiều 30/11, tại trụ sở Chính phủ, Phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự chủ trì của đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

 

Tham dự Phiên họp tại điểm cầu Chính phủ có đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; lãnh đạo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số/xây dựng Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số.

 

                                                                         Quang cảnh Phiên họp tại điểm cầu tỉnh KonTum 

 

Tham dự Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Y Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh.

 

Mở đầu Phiên họp, các đại biểu đã được nghe công bố Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Theo đó, ngày 24/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đãban hành Quyết định số 1619/QĐ-TTg kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, trong đó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

 

Tại Phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về dự thảo Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022. Theo đó, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đặt mục tiêu từ năm 2022 đến năm 2025 triển khai 53 chỉ tiêu hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

 

Năm 2022 có 18 chỉ tiêu quan trọng đề xuất ưu tiên nguồn lực triển khai: Phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng rộng toàn dân; phổ cập danh tính số toàn dân; phổ cập an toàn thông tin mạng toàn dân; phổ cập hồ sơ sức khỏe toàn dân; phổ cập dạy học trực tuyến; phổ cập chuyển đổi số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ; phổ cập hóa đơn điện tử; phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; phổ biến kỹ năng số; thúc đẩy toàn diện tất cả các phương thức thanh toán số; thúc đẩy thương mại điện tử; quy hoạch đô thị thông minh; phát triển Hệ thống thông tin báo cáo; cơ chế đặc thù cho Quỹ phát triển khoa học công nghệ; phát triển Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; điều phối phát triển, kết nối, chia sẻ dữ liệu; điều phối phát triển, sử dụng các nền tảng số.

 

Năm 2021, nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số của tỉnh Kon Tum đã được quan tâm, bước đầu đã huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, địa phương. Các thành viên Ban Chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh đã tích cực chỉ đạo và triển khai các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan, đơn vị.Nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong cán bộ, công chức được nâng cao rõ rệt. Nhiều nội dung, nhiệm vụ quan trọng được hoàn thành, đã góp phầnđẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số như: Đã ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Kon Tum phiên bản 2.0; Cổng Dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử tỉnh được tiếp tục triển khai đồng bộ, liên thông, thống nhất trong các cơ quan nhà nước của tỉnh, phục vụ hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được khai thác, sử dụng hiệu quả, phục vụ tốt các cuộc họp của tỉnh; Trung tâm điều hành thông minh được thành lập làm nền tảng để tích hợp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh.

 

                                                               Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Phiên họp (Ảnh: chinhphu.vn)

 

Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định việc chuyển đổi số đang là xu thế mang tính toàn cầu, chính vì vậy cả hệ thống chính trị cần phải đoàn kết, thống nhất bắt tay thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số có tác động ảnh hưởng đến mọi người dân. Vì vậy, phải lấy người dân làm trung tâm để đặt mục tiêu, mọi chính sách đều hướng về người dân và doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận…

 

Thủ tướng đề nghị thời gian tới, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách thử nghiệm ứng dụng giải pháp, công nghệ mới một cách sáng tạo, phù hợp; cần sớm xây dựng, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, xã hội; đẩy mạnh triển khai các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, thúc đẩy chia sẻ, kết nối giữa các hệ thống; đổi mới phương thức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nội khối hành chính các cấp, ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt hoạt động của cơ quan nhà nước, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành.

 

Các Bộ, ngành, địa phương sớm triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số quốc gia cho giai đoạn mới, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số nhanh, bền vững, toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm. Nhanh chóng chuyển đổi số tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, sử dụng công nghệ số và dữ liệu số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

 

Tích cực hoàn thiện cơ sở dữ liệu; đầu tư, quan tâm, thúc đẩy triển khai chương trình phát triển công dân số; tích cực hợp tác giữa các địa phương tránh tình trạng cục bộ, phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.

 

Về kế hoạch chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo bước đột phá, dẫn dắt, lan toả, thúc đẩy chuyển đổi số toàn quốc trong giai đoạn mới, trong đó đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (cơ quan Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số) sớm hoàn thiện Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 có trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu rõ ràng, hoạt động thực chất, hiệu quả, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường vai trò của Tổ công tác giúp việc Ủy ban, đồng thời bảo đảm nguyên tắc Ủy ban không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương; trên cơ sở ý kiến góp ý tại phiên họp, Bộ Thông tin và Truyền thông thông hoàn thiện, lấy ý kiến của các thành viên Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

 

Nguyễn Hiệp
Hội khỏe Phù đổng tỉnh Kon Tum lần thứ IX năm 2024